Chương 3
Cái vết đen
Một buổi trưa, tôi đến buồng viên chúa tàu, đem cho hắn ít thức ăn và thuốc
-sắc mặt hắn trông xanh xao và ngớ ngẩn. Hắn bảo tôi:
-Cậu Dim, bây giờ tôi chỉ còn mình cậu. Người ta khinh khi tôi, chẳng ai thèm ngó đến tôi nữa. Cậu cũng biết tôi đối xử với cậu thế nào. Tháng nào tôi cũng cho cậu bốn xu đấy... à này, cậu cho tôi xin một cốc rượu "rum" nào.
-Thầy thuốc đã dặn... Tôi chưa nói hết câu, hắn đã chửi rầm lên:
-Bọn thầy thuốc thì biết cóc khô gì! Lão lang ấy hiểu thế nào được bọn thủy thủ chúng tôi. Tôi đã từng vào những chốn nước sôi lửa bỏng, đất nóng như lửa than và động như sóng cồn mà tôi sống được cũng chỉ nhờ uống "rum". Không có rượu "rum", tôi còn thua cái giẻ rách. Mẹ kiếp, cái lão lang đểu cáng! Giọng hắn lại trở thành van lơn:
-Cậu Dim, cậu thử nhìn ngón tay tôi run bắn thế này, chỉ vì không có một giọt rượu. Nếu cậu không cho tôi hớp rượu, tôi điên lên bây giờ. Tôi đã thấy lão Phơ-linh đứng ở xó kia. Tôi đã nóng mắt lên rồi đây. Nào, cậu lấy cho tôi một cốc, nhanh lên, tôi sẽ cho cậu một đồng tiền vàng nước Ghi-nê. Thấy hắn đưa tiền ra dử, tôi tức lộn ruột. Nhưng nghĩ đến cha đương bệnh nặng, cần yên tĩnh thuốc thang, sợ hắn làm ầm lên, tôi bảo:
-Tôi chỉ cần ông trả tiền cơm cho đủ, ngoài ra tôi không thèm ngửa tay lấy một xu nào của ông cả. Tôi chỉ rót cho ông một cốc rượu thôi, không được vòi thêm đấy! Cốc rượu tôi đưa, hắn ực một hơi cạn ráo. Hắn bảo:
-Hà, đã thấy hơi dễ chịu! Cậu có biết thầy thuốc bảo tôi còn phải nằm bao lâu không?
-ít ra cũng một tuần lễ. Hắn kêu to:
-Chết mẹ! Một tuần lễ là không được rồi. Chẳng mấy chốc mà bọn nó sẽ gửi cái vết đen đến rồi! Hắn cố chống tay ngồi dậy rồi lại ngã giụi xuống giường. Tôi hỏi:
-Vết đen là cái gì?
-Đó là dấu hiệu báo trước. Bọn chúng mà gửi vết đen đến là muốn đoạt lấy chiếc hòm của tôi đó. Bọn chúng toàn đồ chó má, chỉ muốn ăn cướp của người. Nếu chúng gửi vết đen đến, cậu cứ mượn ngựa... mượn ngựa đến cái lão thầy thuốc... Cậu báo cho cái ông ấy biết là cứ rình ở đây, sẽ tóm được hết cả lũ thủ hạ của lão Phơ-linh. Khi xưa tôi là phó thuyền của lão ấy. Khi chết, lão đã chỉ cho một mình tôi biết cái chỗ ấy. Hắn còn nói huyên thiên, tiếng nói cứ yếu dần, rồi hắn ngủ thiếp đi. Tôi đã định đi kể chuyện cho bác sĩ Ly nghe nhưng thốt nhiên cha tôi mất, mọi việc đành xếp lại. Lòng thương cha, việc tang bận rộn làm tôi gần như quên bẵng tên chúa tàu và cũng không sợ hắn như trước nữa. Có điều lạ là sáng hôm sau, hắn đã xuống nhà ăn cơm và uống nhiều rượu "rum" hơn mọi bận. Sức hắn mỗi ngày mỗi lụn dần, nhưng tính hung hãn vẫn như xưa.
Ngay sau hôm đưa đám cha tôi, tôi ra đứng trước cửa. Trời chiều, khí lạnh mịt mù, tình thương cha bùi ngùi trong dạ. Tôi chợt thấy trên đường cái một người đi lại. Tôi đoán chắc là người mù, vì hắn cầm gậy khua phía trước. Hắn đeo một miếng the xanh che kín mắt mũi, tuổi hắn già, hắn mặc cái áo đi biển cũ rích. Hắn dừng trước cửa quán, lên tiếng hỏi:
-ông bà nào làm phúc bảo cho kẻ mù lòa này biết nơi này là đâu? Lòng thương nhớ cha tôi còn bổi hổi nên trông thấy kẻ tàn tật, tôi bỗng chạnh lòng. Tôi vội bảo:
-Này ông già, đây là quán "Đô đốc Bin-bâu".
-Tôi nghe tiếng ai như tiếng một cậu bé... Cậu ơi! Cậu dắt hộ lão với... Không ngần ngại, tôi đưa tay cho hắn cầm. Tên mù có giọng nói ngọt xớt ấy liền bóp chặt tay tôi như kìm sắt. Tôi hoảng sợ cố gỡ ra nhưng hắn kéo tôi lại gần bảo nhỏ:
-Đưa tao đến gặp viên chúa tàu!
-Thưa ông, tôi quả không dám. Hắn cười khanh khách, vẻ chế giễu:
-Đưa tao vào ngay, không tao bẻ gãy tay bây giờ. Tôi định phân trần, hắn đã cướp lời:
-Không nói nữa, đi vào ngay! Tôi không thấy tiếng ai độc ác, lạnh lùng và gớm ghiếc như tiếng tên mù ấy. Tôi đau thì ít mà sợ thì nhiều nên phải nghe lời hắn. Tay tên mù nắm chặt lấy tôi như bàn tay sắt. Tôi đưa hắn vào chỗ tên giặc già đương say rượu lừ đừ. Tên chúa tàu thoạt thấy tên mù, hơi rượu "rum" bỗng bay mất.
Hắn tỉnh hẳn, trố mắt lên nhìn. Hắn cố đứng dậy nhưng không còn sức. Tên mù nói:
-Này anh Bin, hãy ngồi yên đấy. Việc đâu có đó. Cậu bé này cầm lấy cổ tay trái ông Bin đưa lại gần tay phải tôi... Tôi và cả viên chúa tàu đều tuân theo. Hắn trao cho viên chúa tàu một vật gì giấu trong tay hắn. Xong hắn buông tay ra; thoắt một cái, hắn đã ra ngoài và đến đường cái. Tôi nghe tiếng gậy lộc cộc xa dần. Một lúc sau, tên chúa tàu mới hoàn hồn và nhìn xuống tay. Hắn kêu to:
-Kỳ hạn chúng cho đến mười giờ! Chúng ta còn sáu tiếng nữa... để lo liệu. Nói xong, hắn đứng dậy. Ngay lúc ấy người hắn chới với, hắn đưa tay lên kêu rú một tiếng rồi ngã vật xuống. Tôi chạy lại và gọi mẹ tôi. Nhưng không kịp! Hắn đã chết rồi.
Chương 4
Cái hòm của viên chúa tàu
Bấy giờ tôi mới nói những điều tôi biết cho mẹ tôi nghe. Hai mẹ con tôi đương lâm vào cảnh ngộ rất khó khăn. Phần nợ của viên chúa tàu đã làm chúng tôi sạt nghiệp, phần giặc cướp rình mò quanh nhà. Trong lúc nguy khốn này, tôi chỉ biết nghĩ đến bác sĩ Ly. Tôi muốn đến báo với ông nhưng lại sợ để mẹ ở nhà một mình, ngộ xảy ra việc gì, lòng tôi không nỡ. Cuối cùng mẹ con tôi quyết định chạy lên xóm bên cầu cứu. Chúng tôi ra đi trong lúc nhá nhem tối, sương mù lạnh buốt; cái xóm chỉ cách nhà tôi dăm trăm mét, vậy mà mịt mù không thấy đâu cả! Đi được một đoạn, hai mẹ con dừng lại lắng nghe... Nhưng ngoài tiếng nước vỗ, tiếng quạ kêu trong rừng, chẳng nghe thấy tiếng gì khác. Đến xóm thì vừa lúc lên đèn. Tôi không quên được phút vui mừng khi trông thấy ánh đèn. Chúng tôi cầm chắc đến đây là có người cứu giúp. Nhưng khi nghe đến tên tướng cướp Phơ-linh và đồng đảng của hắn là mọi người rụt cổ. Rút cục chỉ có người chịu đi báo với ông Ly, nhưng không ai chịu đến giữ quán cơm với chúng tôi cả. Người ta nói, bệnh sợ là bệnh hay lây. Nhưng sợ quá cũng hóa liều, thành đánh bạo. Mẹ tôi bảo không muốn để đứa con vừa mồ côi cha phải mất một số tiền nợ. Mẹ tôi mượn một cái túi đựng tiền, rồi hai mẹ con dắt díu nhau trở về. Mặt trăng mới mọc chiếu hồng lớp sương mù. Chúng tôi đi nhanh chân để khi trở lại, trăng chưa sáng. Đến nhà, đóng cửa xong mới thấy yên tâm. Mẹ tôi lấy nến đốt lên rồi hai mẹ con dắt nhau vào phòng. Xác tên chúa tàu vẫn nằm ngửa như cũ. Mẹ tôi bảo nhỏ:
-Kéo cửa gỗ xuống con! Kẻo ở ngoài trông thấy. Xong, mẹ tôi bảo phải lấy cái chìa khóa trong mình hắn. Tôi đánh bạo quỳ xuống... Cạnh tay hắn có một mảnh giấy tròn nhỏ, một mặt bôi đen. Tôi đoán ngay là cái vết đen. Mặt bên kia viết mấy chữ:
“Kỳ hạn cho anh đến 10 giờ đêm nay là hết". Tôi nhìn lên cái đồng hồ cổ treo trên vách. Mới có 6 giờ. Mẹ tôi giục:
-Dim! Tìm chìa khóa đi con! Tôi lần túi hắn, hết túi này sang túi nọ, nhưng tôi thất vọng. Mẹ tôi bảo:
-Có khi hắn treo ở cổ.
Tôi mò lên thì thấy cái chìa khóa buộc vào một đoạn dây, treo ngay ở cổ. Chúng tôi vội vã lên gác, vào thẳng gian phòng hắn ngủ, nơi hắn để chiếc hòm đồ khi mới đến. Chiếc hòm này cũng giống như trăm ngàn chiếc hòm khác của bọn thủy thủ. Trên mặt hòm có khắc một chữ "B" bằng sắt nung. Vừa mở nắp lên, thấy sặc mùi thuốc lá và hơi nhựa. ở ngăn trên thấy có một bộ quần áo còn mới nguyên. ở dưới, các thứ để lộn xộn: một cái thước đo đường biển, vài cuộn thuốc lá, hai khẩu súng lục thật đẹp, một thoi bạc, một đồng hồ quả quít cổ, một ít đồ lặt vặt, phần nhiều là đồ nước ngoài, một cái com-pa, một đôi địa bàn vỏ đồng và năm sáu cái vỏ ốc. Nói chung chẳng có vật gì quý giá. ở dưới nữa, thấy có một cái áo tơi đi biển đã bạc màu. Mẹ tôi sốt ruột, lôi cái áo ấy lên. Trong hòm chỉ còn một gói bọc vải sơn dầu hình như ở trong có gói giấy má gì và một cái túi vải; chạm đến túi nghe tiếng loảng xoảng. Mẹ tôi nói:
-Tao sẽ cho bọn bất lương thấy rằng tao là người lương thiện. Tao chỉ lấy đủ số tiền nợ, không thèm lấy thêm một xu nhỏ... Này, cầm lấy cái túi...
Mẹ tôi vốc tiền trong túi của hắn, vừa đếm vừa bỏ vào cái túi tôi cầm. Trong túi hắn có đủ cả tiền các nước: Tiền vàng Tây Ban Nha, tiền vàng Pháp, tiền Ghi-nê Anh, và còn nhiều thứ tiền khác nữa. Tiền Ghi-nê có ít, nhưng chỉ có thứ tiền ấy mới tính nợ được, vì thế đếm tiền vừa lâu vừa khó. Đang đếm tôi bỗng nghe tiếng gậy của thằng mù khua trên đường cái lạnh. Hắn đang đi lại gần. Hắn gõ cửa quán mấy cái. Chúng tôi nghe tiếng vặn quả đấm, tiếng then cửa lạch cạch rồi phút chốc trong ngoài yên lặng... Lại nghe tiếng gậy lộc cộc trên đường xa dần rồi mất hẳn. Tôi nói:
-Mẹ ơi! Ta đem cả đi thôi. Tuy sợ, nhưng mẹ tôi vẫn khí khái, nhất định không chịu lấy hơn số tiền nợ, mà cũng không chịu thiếu. Mẹ con đương giằng co nhau thì thốt nghe có tiếng còi rúc ở phía đồi. Tôi vội vàng đứng dậy, vừa nhặt cái gói vải sơn dầu vừa nói:
-Con lấy cái này cho đủ số tiền nợ. Chúng tôi lần xuống, bỏ lại cây nến rồi mở cửa chạy ra ngoài. Sương mù tan nhanh, mặt trăng lồ lộ chiếu sáng trên dãy gò. Chúng tôi bước nhanh. Chưa được nửa đường, chúng tôi đã nghe thấy tiếng chân nhiều người đi lại; phía trước có một ngọn đèn lắc lư. Chúng tôi biết ngay trong bọn nó có người xách đèn. Thốt nhiên mẹ tôi quỵ xuống nói như giối giăng:
-Con ơi! Cầm lấy tiền mà chạy đi thôi... Mẹ đuối sức rồi, không bước được nữa. May sao đã đến gần cầu. Trong gian nguy, sức tôi khỏe lên gấp bội. Tôi xốc nách, dìu mẹ tôi men theo bờ lạch, đến mãi dưới gầm cầu. Mẹ tôi thở hắt một tiếng rồi nằm vật ra. Chúng tôi chỉ cách hàng cơm một quãng ngắn.